Các khoản thuế cần đóng khi mở quán cà phê – đây là nội dung được nhiều anh/chị chủ quán quan tâm đặt ra ở phần tin nhắn gửi tới Vua Pha Chế. Vậy kinh doanh cafe giải khát cần nộp thuế như thế nào? Hãy cùng làm rõ trong bài viết dưới đây nhé.
Mục lục
Hình thức kinh doanh quán cà phê phổ biến tại Việt Nam
Theo pháp luật, chúng ta có thể kinh doanh cửa hàng cà phê, trà sữa dưới rất nhiều loại hình đăng ký kinh doanh như: công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần,…Tuy nhiên, hình thức phổ biến nhất được đa số chủ quán đăng ký khi kinh doanh quán cà phê đó là: hộ kinh doanh cá thể.
Tại sao chúng ta cần bàn tới loại hình kinh doanh quán cafe phổ biến nhất tại Việt Nam. Đơn giản là các loại thuế cần đóng khi mở quán cafe cũng tương tự với quy định thuế cho loại hình hộ kinh doanh cá thể.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ không đi vào làm rõ lợi ích, ưu điểm khi lựa chọn mở quán cafe dưới loại hình hộ kinh doanh cá thể mà chỉ tập dùng làm rõ các nghĩa vụ về thuế của quán cà phê.
Kinh doanh quán cà phê phải nộp thuế như thế nào?
Hộ kinh doanh cá thể không có nghĩa vụ phải báo cáo thuế như đối với các loại hình công ty. Điều này đặc biệt phù hợp với kinh doanh cà phê, nước giải khát với đa số chủ quán ít có nghiệp vụ về kế toán, giấy tờ, kê khai thuế. Các loại thuế phải nộp của quán cà phê bao gồm:
Lệ phí môn bài
Lệ phí môn bài của quán cà phê sẽ được tính theo mức doanh thu mà chúng ta kê khai khi đăng ký kinh doanh. Cụ thể:
- Doanh thu dưới 100 triệu/năm : Miễn đóng thuế.
- Doanh thu từ 100-300 triệu/năm: Thuế môn bài là 300.000 VNĐ/năm
- Doanh thu từ 300-500 triệu/năm: Thuế môn bài là 500.000 VNĐ/năm
- Doanh thu trên 500 triệu/năm: Thuế môn bài là 1.000.000 VNĐ/năm
Có thể thấy lệ phí môn bài rất thấp, không đáng kể. Tuy nhiên, anh/chị chủ quán cần nhớ ngày đóng thuế môn bài theo thời điểm quy định của pháp luật là ngày cuối tháng của tháng 1 hàng năm.
Thuế giá trị gia tăng (VAT) và thuế thu nhập cá nhân
Thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân là 2 loại thuế riêng biệt đối với kinh doanh quán cà phê. Tuy nhiên, 2 loại thuế này sẽ được gộp làm một đối với quán cà phê là hộ kinh doanh cá thể, thường được gọi là thuế khoán.
Thuế khoán là thuế được tính theo mức doanh thu ấn định của cửa hàng cà phê được cơ quan chức năng quyết định. Thuế khoán được tính như sau:
Thuế khoán cho quán cà phê = Doanh thu ấn định x tỷ lệ tính thuế
Cụ thể đối với việc mở quán kinh doanh cafe, tỷ lệ tính thuế khoán là 3% (bao gồm 2% thuế VAT & 1% thuế thu nhập cá nhân). Doanh thu ấn định có thể được cơ quan chức năng dựa vào tình hình thực tế của quán cà phê hoặc dựa theo doanh thu trung bình của các quán khác trong cùng khu vực (đối với trường hợp quán cafe đang cần xem xét mới mở chưa hoạt động).
Mức thuế khoán có thể được điều chỉnh trong thời gian cửa hàng cà phê hoạt động.
Như đã đề cập bên trên, nếu anh/chị có doanh thu ấn định dưới 100 triệu/năm thì sẽ được miễn thuế.
Cách thức đóng thuế của quán cà phê
Như đã đề cập ở trên, quán cafe hoạt động kinh doanh theo diện hộ gia đình cá thể không cần kê khai, báo cáo thuế. Mức thuế khoán được ấn định và anh/chị có thể đóng trực tiếp thông qua internet banking hoặc ra ngân hàng để đóng trực tiếp vào ngân sách nhà nước thông qua ủy nhiệm chi chuyển tiền.
>>Xem thêm: Hướng dẫn lập bảng phân tích tài chính đánh giá dự án trước khi mở quán
Kết luận
Kinh doanh quán cà phê là lựa chọn khởi nghiệp vốn được coi là đơn giản nhất, tuy nhiên không nhiều anh/chị chủ quán thực sự hiểu và thực hiện nghĩa vụ đóng thuế khi mở quán cà phê. Điều này không chỉ là nghĩa vụ mà còn là quyền lợi của cửa hàng cà phê.
Ví dụ: đại dịch covid càn quét mọi ngành nghề, nhà nước có công văn hỗ trợ tiền các hộ kinh doanh cá thể nộp đầy đủ thuế. Trên thực tế, có rất ít quán cà phê được nhận khoản tiền hỗ trợ này. Khoan bàn tới những tiêu cực trong việc thực hiện chỉ thị, chính những anh/chị chủ quán cũng chưa nắm rõ được quyền lợi cũng như nghĩa vụ thuế của mình, khiến quán bị thiệt thòi.
Hy vọng thông qua bài viết này, anh/chị có thể nắm được đầy đủ và rõ ràng nhất về các khoản thuế phải nộp khi mở quán cà phê. Chúc anh/chị luôn thuận lợi và thành công trong công việc kinh doanh của mình.